KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG ANH

HỎI ĐÁP: CÓ NÊN GHI LẠI CÁC TỪ MỚI VÀO SỔ RIÊNG HAY KHÔNG?

Có bạn hỏi là khi luyện tập để tăng từ mới, thì có nên ghi các từ đó ra cuốn sổ riêng hay không?
Câu trả lời của mình như sau:

HÃY GHI MỌI TỪ MỚI RA SỔ NẾU BẠN MUỐN DÀNH 280 NĂM ĐỂ HỌC TỪ MỚI

Cô không bao giờ viết từ mới ra cả. Bởi vì nếu mình ghi tất cả các từ mới, thì có nghĩa là bạn cố học hết 1.022.000 từ. Giả sử mỗi ngày bạn học 10 từ mới, và lý tưởng là bạn nhớ tất cả nó, không bao giờ quên thì bạn sẽ cần 102.200 ngày, chia 365 ngày sẽ là 280 năm, không có ngày nào nghỉ và vừa đẻ ra cái là phải luyện ngay.

Mình chỉ cần đọc, từ nào không biết thì click Lingoes để HIỂU NGHĨA CỦA CÂU ĐÓ. Sau đó tiếp tục đọc. Hãy nhớ rằng bạn đọc tiểu thuyết THE DIARY OF a WIMPY KID để biết được cuộc sống thú vị của 1 cậu bé ngốc xít, không phải để học tiếng Anh. Nhưng bạn càng đọc thì các từ phổ biến nó sẽ lặp lại, nếu bạn nhớ rồi thì tốt, nếu chưa nhớ thì lần sau cứ tra tiếp.

Từ nào lặp lại càng nhiều chứng tỏ nó càng PHỔ BIẾN, và bởi vì nó phổ biến nên nó xuất hiện ở khắp mọi nơi (phim, truyện, báo chí…) nên bạn càng sẽ nhớ nó, và cũng càng hiểu nó khi nghe thấy ở đâu đó.

MỖI TỪ MỚI GIỐNG NHƯ MỘT NGƯỜI LẠ VẬY

Bạn hãy xem mỗi từ mới như 1 con người vậy. Khi gặp họ lần đầu tiên, bạn không biết tên của họ (phát âm), bạn không biết tính cách của họ (nghĩa), bạn không biết mối quan hệ của họ với những người khác (tương quan ngữ pháp với các từ khác)…

Càng gặp họ nhiều trong các hoàn cảnh khác nhau, bạn càng hiểu rõ hơn về họ, và sau đó có thể có mối liên hệ mật thiết với họ theo quá trình (từ người lạ – người mình biết tới – người quen – bạn – bạn tốt – bạn thân)

Từ vựng cũng đi theo “lộ trình” như vậy: từ chỗ mình không biết nó – tra từ điển lần 1, lần 2, lần 3… ở trong các nội dung mình nghe đọc khác nhau – khi mình gặp từ đó lần 10, 15, nó đã trở thành người quen. Mình sẽ nhớ nó rồi, không cần phải tra từ điển nữa. Rồi gặp nó lần thứ 20 – 15, đã trở thành bạn. Rồi mình dùng nó trong các câu hỏi và trả lời của mình, nó trở thành bạn tốt. Và cuối cùng nó trở thành bạn thân khi mà bạn có thể linh động dùng nó trong mọi hoàn cảnh.

Vấn đề của rất nhiều người là ở chỗ vừa vào trường đại học một cái là muốn biết tất cả mọi người trong trường đó. Điều đó là thiếu thực tế và không thể, và họ cảm thấy chán nản vì mình không nhớ được tên của tất cả mọi người trong trường. Thật vô lý khi đặt ra một mục tiêu bất khả thi rồi buồn rầu vì mình không đạt được nó phải không nào!

Mình hãy bắt đầu với bạn ngồi cùng bàn, rồi cùng lớp. Và tất cả quá trình đó đều cần SỰ TƯƠNG TÁC. Mỗi lần gặp hãy chào họ (tra từ điển mỗi khi gặp từ mới), nếu có thể, hãy nói chuyện thêm với họ (xem thêm các ví dụ cho sẵn ở từ điển, hoặc lý tưởng là tự đặt được ví dụ với từ đó nếu có thời gian).

Bạn càng “chào hỏi họ” nhiều, thì bạn càng dễ nhớ họ hơn.

Có những người sẽ thường xuyên tới gặp bạn hơn những người khác, một cách tự nhiên bạn sẽ nhớ họ hơn, đừng cố nhớ tất cả “mọi người” nhé.

KẾT LUẬN: giai đoạn đầu, bạn hãy cứ đọc những gì mình yêu thích, càng nhiều càng tốt, mỗi lần không hiểu, bạn hãy tra từ điển để hiểu nghĩa, KHÔNG CỐ GHI NHỚ NGHĨA. Hãy đọc thật nhiều để tăng tần suất gặp từ đó, khi số lần gặp đủ nhiều, từ đó sẽ trở thành “bạn”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *