Tự do tài chính

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIẾM TIỀN RỒI TỰ DO LÀM NHỮNG GÌ MÌNH THÍCH?

TỰ DO TÀI CHÍNH
Mình đã nghĩ nhiều lần là lúc nào đó sẽ viết một bài về tự do tài chính, nhưng lại đắn đo mình đâu có giàu có hơn ai đâu, có rất nhiều người trong friend list của mình có tài khoản ngân hàng nhiều gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với mình mà họ đâu có nói gì bao giờ, chẳng lẽ mình “múa rìu trước mắt thợ” hay “đánh trống nhà sấm” sao? Nhưng hôm nay “vượt lên chính mình” để viết, vì nghĩ có lẽ vài người sẽ thấy cần.

Từ 300K ban đầu, giờ mình đã có thu nhập thụ động từ việc cho thuê nhà là 24 triệu/ tháng. Hiện gia đình mình sống tối giản và con học trường làng nên chi tiêu hàng tháng vào khoảng 3 triệu/ tháng. Cuộc sống đơn giản, mỗi thành viên trong gia đình đều được tự do làm những gì mình thích. Và khi mình viết những điều này, mình không có ý khoe khoang mà chỉ là dẫn chứng cụ thể để các bạn trẻ như mình ngày xưa có niềm tin là cô Lê Nguyệt – không xuất sắc cũng không xinh đẹp, không khéo léo cũng chẳng có xuất thân khác biệt, không có gì đặc biệt mà còn làm được thì việc này với mình chỉ là …muỗi!

Quy trình như sau: Dành những năm tuổi 20 để làm việc, làm việc như đó là lẽ sống duy nhất của cuộc đời, học hỏi, kiếm tiền và tích lũy kĩ năng và tài sản (chứ không phải tiêu sản), từ những năm 30 trở đi thì có tự do tài chính, khi đã tự do tài chính thì sẽ tự do trong rất nhiều lĩnh vực khác.

1. THỜI SINH VIÊN:

sinh viên cần làm gì

  • Dành thời gian để học các kĩ năng, càng tích cóp được càng nhiều kĩ năng càng tốt, trong đó ngoài các kĩ năng chuyên môn thì các kĩ năng trong Đắc nhân tâm là cần thấm nhuần (Một số bạn không thích Đắc Nhân tâm và bảo nó giả tạo, thực ra nó là chỉ dẫn về tâm lý con người, khi đọc sẽ hiểu bản thân mình tại sao lại có cảm xúc và hành động như vậy. Nếu mình dùng nó để có lợi cho cả đôi bên thì nó tốt. Nếu mình coi nó là kĩ xảo để kiếm lợi cho bản thân thì nó xấu).
  • Việc học trên trường nếu thấy môn nào liên hệ trực tiếp đến công việc sẽ làm sau này thì ngoài học kĩ những gì giảng viên trao cho còn cần tìm thêm tài liệu, videos, sách để đọc thêm nhằm giúp mình giỏi nhất, hiểu biết nhất về nó. Thấy môn nào không liên quan lắm thì chỉ cần qua là được. Tốt nghiệp bằng trung bình cũng không sao nhưng kiến thức, hiểu biết và kĩ năng trong đầu thì phải hàng top 3 của trường, người ta hay bảo là “đầu có sạn” đấy!
  •  Là sinh viên của thời đại mới, trừ những bạn có đặc thù ngành như Y dược thì những bạn còn lại, nếu thực sự muốn sau này đạt tự do tài chính thì đừng làm cây tầm gửi trong gia đình nữa. Từ 18 tuổi là sức dài vai rộng rồi, không thể để bố mẹ tiếp tục nai lưng ra làm việc để chu cấp cho mình học, chơi và lướt Face rồi trà sữa suốt ngày nữa. Hãy báo cho bố mẹ là làm ơn …đừng gửi tiền cho con nữa, và bạn phải tìm cách nào đó sống được. Ban đầu có thể là cắt tiền ăn, sau đó cắt thêm tiền ở, rồi cắt luôn học phí. Việc đi làm thêm khi còn là sinh viên là VÔ CÙNG HẾT SỨC CỰC KÌ QUAN TRỌNG, nó giúp bạn biết trân trọng đồng tiền, bạn có thêm rất nhiều mối quan hệ bên ngoài, bạn được hình thành các kĩ năng (mọi kĩ năng đều được hình thành qua quá trình luyện tập lặp đi lặp lại nhiều lần, việc ngồi ở lớp nghe giảng chỉ là chuẩn bị về mặt lý thuyết và chỉ nên chiếm 20% thời lượng học hỏi của bạn mà thôi). Việc có kiếm được nhiều tiền hay không phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu kĩ năng và mức độ thành thục của các kĩ năng đó. Trong lúc mọi người nhàn nhã vui chơi hoặc làm những điều vô bổ thì bạn đổ mồ hôi sôi nước mắt đi làm thêm, rồi sau này khi bạn thảnh thơi đuổi bướm hái hoa, tay trong tay đi khắp đó đây với người thương thì những người khác phải tất bật sáng tối vật lộn với cuộc sống âu cũng là viễn cảnh đáng để hướng tới.
  • Hồi xưa ½ số tiền làm thêm kiếm được lúc nào mình cũng dành để mua sách, và chính những quyển sách đã dạy mình thành người, dạy mình cách sống và làm việc, sách đến từ những người giỏi nhất thế giới, họ đã mất cuộc đời họ để trải nghiệm và rút ra những bài học, thật là ngu nếu không lợi dụng trí khôn của họ để làm cho cuộc sống của mình dễ dàng hơn. Có nhiều bạn nói là “nhưng em lười đọc sách lắm”, thực ra không phải đâu, bạn chỉ có thể thích đọc sách nếu nội dung trong sách có liên quan đến bạn. Cho nên khi cuộc sống đang có vấn đề gì thì hãy tìm sách liên quan đến vấn đề đó, chính quyển sách đó sẽ mở ra cho bạn một chân trời mới và cũng đồng thời làm bạn yêu thích và muốn đọc những quyển khác nữa. Nhớ nhé, muốn có TIỀN thì phải có MỘT GIÁ SÁCH.
  • Nhớ phải YÊU, thời sinh viên là phải yêu nhé, không thì phí tuổi trẻ lắm. Thời sinh viên mình cũng yêu, một tình yêu đơn phương nồng nàn, say đắm và đẫm nước mắt với những nỗi đau ngọt ngào, chưa bao giờ thấy hối hận về những năm tháng đó cả.

2. LÀM VIỆC

Sau khi tốt nghiệp (hoặc bạn nào không thích tốt nghiệp cũng tùy) thì bạn bắt đầu tham gia vào lực lượng lao động. Nhìn quanh bạn sẽ thấy có những người có lương chỉ vài triệu đồng và có những người khác có lương tính bằng hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi tháng. Về mặt nhân cách, tài khoản ngân hàng không nói lên được điều gì, nhưng về mặt kĩ năng, chắc chắn những bạn lương thấp là do ít kĩ năng và kĩ năng yếu, không tạo ra được giá trị cho công ty nên người ta mới trả cho ít như vậy. (Mình không nói đến các bạn làm tình nguyện trong các tổ chức phi chính phủ nhé, những bạn này cực nhiều kĩ năng). Ngoài những người kiếm được nhiều tiền bằng con đường kinh doanh vốn tự có (gồm các mối quan hệ theo kiểu con ông cháu cha sẵn có, gồm cả những người bất chấp sức khỏe của mình để luôn phục vụ trên bàn nhậu, gồm cả những cô gái chọn lựa làm … “ca đêm”) thì những người còn lại, càng kiếm được nhiều tiền càng chứng tỏ họ có: nhiều kĩ năng, cống hiến nhiều giá trị cho xã hội, chăm chỉ làm việc gấp nhiều lần so với số đông còn lại. Một số nguyên tắc liên quan đến làm việc của mình.

– Khách hàng là ông nội. Không phải khách hàng là thượng đế, vì nếu là thượng đế thì mình phải phục tùng một cách miễn cưỡng, còn là ông nội, nếu có khó tính cỡ nào, nếu có vô lý cỡ nào thì mình vẫn cần đáp ứng với tất cả tình yêu thương, luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết mọi thứ khác. Việc nói khách hàng luôn luôn đúng thì chỉ xảy ra khi cãi nhau mà thôi, chuyện này là mức độ thấp của chất lượng phục vụ khách hàng.

400% tâm huyết, tài năng, sức lực là dành cho khách hàng. Dù bạn làm trong bất cứ lĩnh vực nào thì bạn chẳng bao giờ là người duy nhất, kiểu gì cũng có những người khác mong muốn có khách hàng của bạn. Chỉ khi bạn dùng toàn tâm toàn lực cho khách hàng thì họ mới ở lại với bạn rất lâu – và cũng trở thành bạn bè của bạn luôn, điều đó chẳng phải rất tuyệt sao, nó vừa giúp bạn giàu có về vật chất, lại viên mãn về tinh thần.

– Đưa ra một giá rất cao và làm khách hàng trên cả hài lòng với mức giá mà họ đã trả. Điều này mình học được từ một em 18 tuổi hồi mình 23 tuổi. Em ấy nói “Em không bao giờ đi gia sư với mức phí thấp cả, vì nó thể hiện giá trị của mình rẻ rúng quá. Thay vào đó em đưa ra mức giá cao gấp 2, 3 lần so với giá bình quân, rồi em làm cho học sinh và phụ huynh hài lòng gấp 10 lần”. Mình đã áp dụng điều này vào công việc của mình từ hồi đó.

– Dành phần lớn thời gian để làm việc mình thích nhất. Những việc mình thích thì sẽ làm giỏi, và nếu giỏi thì bạn có quyền ra giá bao nhiêu tùy thích. Một thợ cắt tóc giỏi có thể ra giá gấp 10 đến 200 lần so với một thợ bình thường mà khách vẫn đông nghịt. Hãy tìm cách kết hợp với người giỏi làm những thứ bạn không giỏi.

– Học tập rèn luyện hàng ngày để tăng kĩ năng liên tục. Dù bạn có giỏi thế nào, đêm nay vẫn có người thức khuya hơn bạn để rèn luyện và ngày mai họ giỏi hơn bạn, cách tốt nhất để không bị tụt lại đằng sau là liên tục rèn luyện. Hồi trước mình toàn thức đến 1, 2h sáng để cày phim Mỹ, cứ ngỡ rằng đó là sở thích cá nhân, xem bao nhiêu cũng không thấy đủ, chỉ ước có được khoảng 10 ngày không làm gì để xem cho thỏa thích một lần mà không được. Đến khi tạm nghỉ dạy, là tỉ phú thời gian nhưng mình chẳng ngó ngàng gì đến phim nữa cả, lúc đó mới nhận ra, à hóa ra mình thích xem phim là vì nó tốt cho công việc chứ nó không hẳn là sở thích của mình.

– Coi các cộng sự như thành viên trong gia đình. Những người làm việc cùng mình là những người đang giúp mình hoàn thiện một bức tranh với các gam màu khác nhau, nếu thiếu họ thì bức tranh không thể hoàn thiện được. Mình không hiểu tại sao đến giờ vẫn có nhiều người tự coi mình là sếp và coi các cộng sự như những người giúp việc – chỉ đơn giản là công cụ giúp họ kiếm tiền nhiều hơn. Chính sự phát triển của các cộng sự mới làm nên sự phát triển của công ty, tổ chức, cho nên những người được gọi là “sếp” phải là những người hết lòng phục vụ những người làm việc cùng mình. Ông Brian Tracy đã từng chia sẻ one on one với mình về một khách hàng của ông ý ở Hàn Quốc, người có hàng ngàn nhân viên làm việc và có cả hàng dài những người ước mong làm việc cho ông ý vì ngoài lương và thưởng như bao công ty khác, ông ý luôn dành 10% doanh thu để quay lại phục vụ những người làm việc cùng, hỗ trợ giúp đỡ họ trong công việc và cuộc sống. Bản thân mình cảm thấy may mắn và tự hào về các giáo viên và companions của mình, tự hào lắm.

Trân trọng và kết nối với những người trong ngành (mà bình thường mọi người hay mặc định những người đó là đối thủ). Những người làm cùng nghề tức là sở thích và kĩ năng cùng một dạng với bạn, nếu có họ làm bạn thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Mình rất vui vì được làm bạn với nhiều giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà nội, mỗi người đều rất tuyệt vời và giúp cho mình nhận ra nhiều bài học. Cùng nhau phát triển sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc cạnh tranh rồi cả hai bên cùng bất lợi.

– Mục tiêu rõ ràng! Giờ thì mình chẳng còn mục tiêu hay to – do list gì nữa hết, lúc nào hứng lên thì làm thôi, nhưng đó là vì bây giờ mình tự do như chim. Mà để xây dựng sự tự do này thì MỤC TIÊU là cực kì hết sức đặc biệt quan trọng luôn. Bạn có thể làm/có/trở thành bất cứ thứ gì hay bất cứ ai, chỉ có điều bạn phải hành động dựa trên một mục tiêu đã được thiết lập một cách cụ thể. Nhớ đọc CHINH PHỤC MỤC TIÊU nhé.

Làm việc từ 7h sáng đến 12h đêm mỗi ngày, không có ngày nghỉ, trừ tết. Đa số mọi người sẽ lắc đầu với mục này, nhưng nếu như bạn muốn vui chơi như những người khác thì khi những người trước đây chăm chỉ làm việc được ăn tôm hùm còn bạn ăn râu tôm đồng với ruột bầu thì đừng có kêu ca gì. Hồi trước em gái mình suốt ngày lo mình bị ung thư họng, mợ mình ở cùng mình thì sợ mình sẽ gầy gò xấu xí vì làm việc quá sức, một anh lớp giám đốc ở PTI thì lần nào gặp cũng một điệp khúc “làm vừa thôi, khiếp, đúng là tuổi trâu, làm như trâu”. Mẹ mình thì lúc nào cũng lo vì sợ sau này dù bao nhiêu tiền cũng không đủ đi chữa bệnh, haha. Nhưng nếu muốn đạt mục tiêu thì phải cố gắng thôi.

– Công việc là ưu tiên số 1. Trước đây mình thực sự rất có lỗi với Nhật Đan, vì dường như việc làm mẹ của mình chỉ là cho con bú mà thôi. Khi con được 1,5 tháng mình đã đi dạy lại rồi. Khi con bỏ bú thì thường xuyên ngủ với bà vì đến 12h đêm mình mới xong việc cho nên lúc đó mà bế con vào thì con lại bị thức giấc. Cho con ăn hay tắm cho con cũng không phải là mình. Đến 4 tuổi con bắt đầu đi học thì nhiều khi còn không nhìn thấy con nữa, vì khi mình ngủ dậy thì có lúc chồng đã chở con đi học mất rồi. Mình không nhớ rõ bước đi đầu tiên của con ra sao, từ đầu tiên mà con nói là gì. Có lần một anh học viên trong giờ speaking time chia sẻ rằng mẹ anh ấy đi nước ngoài khi anh ấy được 1 tuổi và anh ấy ở với bà, đến khi anh ấy 6 tuổi thì mẹ anh ấy về nước và anh ấy được ở với mẹ từ đó đến giờ, nhưng chủ đề hôm đó “Talking about the most important person in your life” (Chia sẻ về người quan trọng nhất trong đời bạn) trong khi những người khác chủ yếu nói về MOTHER thì anh ấy lại thao thao bất tuyệt về GRANDMOTHER, và đêm đó đi dạy về mình đã khóc nguyên một đêm.

Sẵn sàng làm mọi việc từ nhỏ tới lớn, từ chùi rửa nhà vệ sinh đến quét dọn. Nếu giai đoạn đầu làm việc, bạn chưa chuyên môn hóa được thì tự bạn phải làm mọi việc để tiết kiệm chi phí, đừng có cái gì cũng thuê.

3. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC LIÊN QUAN ĐẾN TIỀN

kiếm tiền, tiêu tiền, money

Không bao giờ dính dáng chuyện tiền bạc với bạn bè, gia đình, người thân. Điều này mình đọc được trong tất cả các sách về kinh doanh, bản thân cũng đã mất hơn nửa tỉ chỉ để cuối cùng nhận ra là khi mình dùng tiền để giúp những người không có trí khôn tài chính thì chỉ sau thời gian ngắn (khoảng một vài năm) họ lại về trạng thái cũ, chỉ có mình là mất tiền mà thôi. Nhớ nhé, không vay và không cho vay từ người thân và bạn bè. Cái này mất lòng trước được lòng sau. Nếu ai đó hỏi vay tiền bạn, hãy xác định số tiền mà bạn có thể CHO người đó, và cho họ vay đúng số tiền đó, rồi quên nó đi. Sau này người ta trả thì tốt, nếu không thì cũng không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ đôi bên. Nếu cần tiền thì đến ngân hàng, nếu ngân hàng không cho bạn vay chứng tỏ họ đánh giá là bạn chẳng đủ khả năng để trả khoản vay đó (chứ ngân hàng thích cho vay quá đi chứ, bạn vay càng nhiều họ càng giàu cơ mà), vậy thì cớ gì người thân của bạn mạo hiểm cho bạn vay bằng số tiền họ kiếm bằng mồ hôi nước mắt của họ chứ! Hãy tự mình giải quyết những việc của bản thân, đừng lủng bủng trách cứ người khác không cho bạn vay tiền.

– Dù có nhiều hay ít tiền, nên dành một khoản để CHO ĐI, việc này quan trọng lắm. Khi cho đi có nhiều lợi ích kinh khủng, còn lợi như thế nào ý hả, thử cho rồi tự mình cảm nhận nhé. Lưu ý là phải cho những người xứng đáng, chứ không đơn giản chỉ là họ cần thì mình cho. Nếu có thể thì ưu tiên cho trẻ em và giáo dục, vì một chút tiền chỉ như miếng bánh khi đói lòng, không giúp người ta được lâu dài.

– Tiết kiệm từng đồng một, nếu bạn không biết quý trọng 1000 đồng thì bạn không xứng đáng có được tự do tài chính (khi đó tiền làm việc cho bạn). Có một lần mình nghe lỏm chú mình nói chuyện với đứa em (cách đây hơn chục năm) “Mi không kiếm tiền mà lại tiêu tiền như xé giẻ, như chị Nguyệt kìa, tháng kiếm mấy chục triệu mà khi xỉa răng còn bẻ tăm làm đôi, dùng 1 nửa còn nửa còn lại bỏ lại vào hộp, hôm sau dùng tiếp!”

Rất may mắn là hai vợ chồng mình đều là người tiết kiệm và không dùng những vật ngoài thân như nhà to xe đẹp để gây ấn tượng với mọi người (thực ra người ta chỉ ghét bạn thêm thôi, vì dám có những thứ họ không có, chứ ấn tượng cái con khỉ!). Bây giờ mình sống tối giản với vài bộ quần áo và các vật dụng cơ bản trong nhà, nhưng hồi trước chưa tìm thấy Minimalism thì trong nhà mình cũng chỉ có những thứ không thể thiếu, còn lại nhà trống trơn hà. Bây giờ nhà mình tự trồng được rau, chế độ ăn nghiêng về ngũ cốc và rau quả hơn là động vật cho nên chi phí cũng thấp hơn, đồng thời lại khỏe hơn và góp phần bé nhỏ bảo vệ môi trường. Bây giờ trừ đi xa quá hoặc những lúc bị mệt (hiếm), thì toàn là đi xe đạp thôi. Nhưng tiết kiệm không phải là keo kiệt nhé, mình có thể kể chuyện lần trước buôn với một người bạn, mình nói “Tớ không thể nào enjoy được nếu như đi nghỉ trong một khách sạn giá vài triệu một đêm trở lên vì tiếc tiền, nhưng tớ có thể dùng tiền của mình để tặng cho các bạn học sinh nghèo đến vài chục triệu (hồi còn nhiều tiền) và thấy hạnh phúc”. Bạn mình nói “Còn vợ tớ thì ngược lại, vợ tớ rất thích ở trong resort giá 15 triệu một đêm và thấy hạnh phúc, thoải mái. Còn nếu phải cho đi dăm triệu thì cảm thấy bứt rứt khó chịu mấy ngày”, hihi!

Khi mua các món đồ, mình cũng thường chọn loại tốt nhất, đắt nhất trong khả năng của mình để mua, cái máy lạnh đầu tiên của mình giá 11 triệu năm 2010. Cái mắy giặt đầu tiên cũng hơn chục triệu. Đôi giày mình đi gần 3 triệu. Nghe thì có vẻ nhiều tiền, nhưng vì mình tiết kiệm nên mới mua như vậy đó, thời gian sử dụng và chất lượng của nó sẽ giúp mình sống thoải mái, tốn ít tiền hơn so với việc mua đồ rẻ tiền rồi sửa hoặc thay mới liên tục. Riêng tiền mua sách thì không bao giờ tiết kiệm. Có lần đi Sài gòn dự hội thảo và mua hết 12 triệu tiền sách của Brian Tracy luôn, chưa từng thấy khoản đầu tư nào lại sinh lời nhiều như thế.
Mình không mua đồ chơi cho con nữa, để con chơi với những thứ xung quanh và tự sáng tạo ra các cách chơi cũng như đồ chơi “tự chế” (như cách anh chàng gọi).

– Luôn ghi nhớ rằng tiền chỉ là phương tiện, không phải là mục đích. Cũng giống như cái xe, mình muốn nó vì nó giúp mình đi học, đi làm, đi chơi, đi du lịch… mình muốn tiền vì tiền giúp mình mua thức ăn, quần áo, chỗ ở và những thứ này giúp mình an toàn hạnh phúc. Tuy nhiên một số người mải mê nên quên mất tại sao mình cần phải có tiền, vậy là họ lại lấy những thứ quý giá ra để đổi lấy tiền, là thời gian, là sức khỏe, đôi khi cả lương tâm nữa. Họ không biết rằng sau khi có rất nhiều tiền họ sẽ thấy hoàn toàn trống rỗng bên trong vì đã nhỡ lấy ra đổi sạch hết rồi, thực sự là bán đi thì dễ nhưng bạn lại không thể dùng tiền để mua lại. Trước đây mình hay nói với các companions thân yêu của mình là cô muốn mình vừa là người giàu lại được rất nhiều người yêu quý và luôn có thể ngẩng cao đầu đi giữa cuộc đời vì không làm những điều phải xấu hổ với lương tâm. Có nhiều cách để kiếm tiền, cách nào cũng phải vất vả nhưng có những cách giúp bạn giàu mà xã hội được nhờ (như Bill Gates giúp tất cả chúng ta có thể sở hữu máy tính, Steve Jobs giúp mọi người được sử dụng smartphone) và cũng có những người đạp người khác xuống để mình có chút tiền (bán thực phẩm bẩn, bán nước ngọt…). Đang trẻ, bạn lúc nào cũng có thể lựa chọn cho mình một con đường để ngẩng cao đầu bước đi.

Chúc cho bạn đạt được những điều bạn muốn theo cách của bạn.

Nếu cảm thấy hữu ích, hãy comment ở dưới nhé.

Chúc bạn và gia đình luôn an yên,

Thân mến,

Lê Nguyệt

6 thoughts on “LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIẾM TIỀN RỒI TỰ DO LÀM NHỮNG GÌ MÌNH THÍCH?

  1. Bài viết thật sự rất hay và bổ ích đối với bản thân mình. Là một người trẻ, những điều chị chia sẻ thực sự như một con đường để em có thể học tập và áp dụng. Mặc dù chưa thể hoàn toàn tự do tài chính ở thời điểm hiện tại, nhưng em sẽ luôn cháy hết mình, làm việc hết mình, học hỏi từng ngày, từng giờ để sớm đạt được một cuộc sống như mình ấp ủ cho bản thân cũng như cho những người em yêu thương.
    Cảm ơn chị thật nhiều về bài viết.

    1. Cám ơn bạn đã ghé thăm blog nhé. Khi được hết mình với những hoạt động yêu thích, ta vừa thỏa mãn đam mê của bản thân, lại vừa nhận được phần thưởng xứng đáng dành cho ta và những người thân yêu.
      Chúc em và gia đình luôn khỏe mạnh an yên nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lê Nguyệt