“Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”
“Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”
Goethe
Ngày nay, do quá bận rộn nên nhiều khi ta thường “nghe người ta nói” sau đó làm theo mà quên dừng lại để tự vấn, liệu điều đó có thực sự đúng hay không. Và bởi nay ta “nghe” quá nhiều, từ Facebook, báo chí, các hội nhóm, nên ta cứ quay cuồng với quá nhiều thứ.
1. Hồi mới vào Daklak, gặp ai cũng bảo nếu như không phun thuốc thì sẽ không thể cho quả đâu.
Năm đầu tiên, bơ nhà mình đậu quả nhiều nhất xóm (dù họ phun tít mù ở rẫy, nhà mình thì không làm gì cả), còn sầu thì lơ thơ được vài quả. Mình nghĩ, à hóa ra nó đúng với sầu.
Tới năm nay, bơ ra hoa rất nhiều nhưng đúng vào đợt sương muối mà bị rụng hết, cho nên chỉ lơ thơ vài quả, bù lại sầu nhà mình có 3 cây mà được mấy trăm quả, ăn nhiều tới mức giờ nhìn thấy là ngán.
Họ bảo rằng sầu nếu thu được 1 tỷ tiền quả thì phải vác 300 triệu đi trả tiền thuốc bảo vệ thực vật, phun từ lúc ra hoa, đậu quả cho tới lúc thu hoạch cứ mỗi tuần 1-2 lần, lúc cắt sầu còn nhúng thuốc thêm lần nữa, và rất nhiều người KHẲNG ĐỊNH như vậy, cho nên những người mới trồng sau này cũng làm như vậy hết.
2. Hồi tháng 4, khi đi lấy mật ong ở trại, lúc đang quay mật, mọi người rôm rả trò chuyện với nhau, một anh làm nghề quay mật 20 năm nói chuyện “Hôm trước có đứa ở Sài gòn nói là mật giả, nếm là biết ngay, ha ha”. Anh ấy nói 20 năm đi quay mật khắp nơi, và những người nuôi ong cũng hơn chục năm, họ cũng khó mà thẩm định được mật như thế nào là giả, đây một cô bé sinh viên ở thành phố, chưa từng tới trại ong bao giờ, đọc linh tinh trên mạng và phán như thể đó là chân lý.😅
Nhiều người ở thành phố lưu truyền rằng mật để tủ lạnh mà “đóng đường” là do có trộn đường vào, điều đó thực chất đến từ những người thiếu hiểu biết. Hiện tượng đó được gọi là “sự kết tinh thành các tinh thể mật ong”, thậm chí ở nước ngoài, nếu như không thấy kết tinh, người ta sẽ không ưa bởi vì như vậy nghĩa là mật ong đã bị tinh luyện, làm mất đi cấu trúc tự nhiên của mật.
3. Bạn nhớ không? Có một thời rau chùm ngây rất hot, được coi là “thịt bò xanh”, và ở siêu thị là hơn hai chục ngàn một bó chỉ nấu được nồi canh nhỏ. Sau đó nhiều nhà trồng được và hiếm khi dùng tới.
Từ lúc cung cấp hạt cho mọi người, mình thường xuyên xem xét bảng nutrient facts của nhiều loại thực phẩm, và mình đã nhận ra một điều: có những loại thực phẩm cũng “thường thôi” nhưng được “lăng xê” để giúp ta tin rằng thiếu nó, sức khỏe của ta sẽ không trọn vẹn.
Cho nên thay vì mua táo, nho ở siêu thị, nhà mình sẽ ăn chuối, bơ, thanh long, chanh leo, ổi, cam, bưởi, đu đủ, mãng cầu, vú sữa…ở vườn, hoặc mùa nào quả nấy ở chợ nếu nhà không có.
Các loại siêu hạt nhập từ nước ngoài như hạt chia, hạnh nhân, óc chó giá thành rất cao, thực ra có thể thay thế bằng các loại bắp, vừng, lạc (đậu phộng), hạt sen, điều, macca…(Mặc dù không hoàn toàn giống nhau về mặt dinh dưỡng, nhưng không quá khác biệt.)
Cám ơn cô vì những bài viết thật tuyệt vời, mang lại rất nhìu gtri cho ng đọc đc nó ạ