Cuộc sống tươi đẹp

12 BƯỚC GIÚP MỌI BÀI VIẾT CỦA BẠN HẤP DẪN HƠN

CÁCH ĐỂ CÓ MỘT BÀI VIẾT NHIỀU TƯƠNG TÁC HƠN HIỆN TẠI

Một trong những kĩ thuật mình thấy hay nhất đó là hãy viết bản nháp thứ nhất, rồi vứt đi. Làm việc khác, và viết bản nháp thứ hai, rồi vứt đi. Làm việc khác, rồi viết bản nháp thứ ba. Sau đó nhặt lại cả ba bản, chọn những ý xuất sắc nhất và bắt đầu viết thành bản nháp thứ tư.

Nhưng làm thế nào để viết được bản nháp thứ nhất? Sau đây là các bước mà mình đã học được, nay xin phép chia sẻ với cả nhà nhé.

  1. MỤC TIÊU RÕ RÀNG

  • Mục đích viết của bạn là gì?
  • Bạn đang cố gắng đạt được điều gì?
  • Mọi bài viết của bạn nên thống nhất và đều tập trung vào mục tiêu đã đặt ra trước đó của bạn.
  • Bạn cần quan tâm tới thứ mình muốn viết, vì nếu bạn không quan tâm, thì ai thèm đọc bài bạn viết?
  • Bạn viết để xây dựng thương hiệu cá nhân?
  • Bạn viết để chia sẻ giá trị?
  • Bạn viết để bán hàng?

Ví dụ như mình đang làm ba điều (dạy học, viết blog và bán hạt), cho nên các bài viết của mình phục vụ các mục đích trên (giúp mọi người thích học tiếng Anh hơn, chăm học hơn), giúp mọi người tìm thấy giá trị trong các bài viết để họ còn tiếp tục đọc ở blog. Giúp mọi người nhận biết lợi ích sức khoẻ của các loại hạt, và được kích thích thị giác…

  1. ĐẶT MÌNH VÀO VỊ THẾ CỦA NGƯỜI ĐỌC

Mục đích của bạn là của bạn, nhưng khi người khác đọc gì đó bạn viết, nghĩa là họ cho bạn cơ hội trình bày ý tưởng của bản thân, vậy, phải có lợi ích gì cho họ thì mới đáng bỏ thời gian ra để đọc đúng không?

Vậy nên bạn hãy đứng vào vị thế của người đọc để tìm kiếm những điều liên quan.

  • Tại sao điều này lại quan trọng đối với người đọc?
  • Họ được lợi gì trong chuyện này?
  • Tại sao họ nên quan tâm?
  • Bài học hay là thông điệp rõ ràng nào bạn muốn truyền tới người đọc của mình?
  • Người đọc có thể có những câu hỏi gì?
  • Bạn có lời khuyên hay hỗ trợ gì cho họ không?

Hãy hỏi bản thân “Làm thế nào để mình có thể phụng sự người đọc với tâm thế cho đi hào sảng nhất?” Và rồi bạn dùng quy tắc 5 whys để đi đến ngọn ngành của vấn đề đó, bởi vì lúc đó chính là gốc rễ thực sự.

Chẳng hạn như khi mình muốn viết blog chia sẻ những điều hay trong cuộc sống đối với người đọc của mình.

Mình sẽ hỏi WHY NUMBER 1

Tại sao mình lại muốn chia sẻ tới người trẻ những kinh nghiệm sống của mình?  Bởi vì như vậy mình có thể ôn lại những gì mình đã học được (khi viết ra), giúp đỡ được nhiều người “đôi khi lạc lối” như mình lúc còn 20 tuổi, và chuẩn bị cho bản thân sau này trước khi…nhắm mắt xuôi tay có đủ trình độ để viết một cuốn sách.

WHY NUMBER 2

Tại sao mình muốn giúp người đọc của mình?  Bởi vì mình rất may mắn, được biết tiếng Anh sớm, được làm việc với những người tuyệt vời và luôn được giúp đỡ, ủng hộ. Nên mình muốn giúp đỡ thêm những người khác có cuộc sống tốt hơn?

WHY NUMBER 3

Tại sao muốn giúp nhiều người có cuộc sống tốt hơn?  Bởi vì chúng ta liên quan tới nhau rất rất mật thiết (bạn đã thấy rõ điều đó qua Covid-19 vừa rồi). Cuộc sống của mỗi người, bằng cách này hay cách khác sẽ có ảnh hưởng tới cuộc sống rất nhiều người khác. Thật tuyệt nếu càng nhiều người có cuộc sống tốt hơn, vui hơn, tự do hơn, hạnh phúc hơn.

WHY NUMBER 4

Tại sao muốn mọi người khoẻ mạnh, giàu có, hạnh phúc hơn?  –>Từ đó họ sẽ có nhiều tiền để học tiếng Anh, mua hạt và mua sách của mình trong …30 năm tới, ahihi.

WHY NUMBER 5

Khi làm những việc mình yêu thích, mình thấy vui, có ích, hạnh phúc, và có thêm tiền để chọn những thứ phù hợp và chu cấp cho bố mẹ nhiều hơn, giúp đỡ người khác tiện lợi hơn, và quan trọng nhất đó là ĐẢM BẢO MỘT CUỘC SỐNG VỪA ĐỦ ĐẦY, VỪA TỐI GIẢN, VỪA TỰ DO.

Đây là lý do viết blog, nhưng các bài riêng lẻ cũng nên hỏi thật kĩ như vậy. (Lý thuyết là vậy, nhưng nhiều hôm mình hỏi có một why là lười hỏi tiếp rồi, ahihi)

  1. THAM KHẢO TƯ LIỆU

Khi bạn viết về điều gì đó, bạn nên nghiên cứu những thông tin liên quan đến nó mà bạn có thể tìm được nhằm củng cố các ý bạn muốn diễn đạt. Có những điều gì có thể làm cho bài viết của bạn nổi bật hơn không?

Bạn không thể chỉ lấy nội dung tham khảo, bạn cũng không muốn bỏ qua kinh nghiệm cá nhân, mà hãy kết hợp hài hoà hai điều này để có màu sắc riêng của bạn. Bởi vì được viết từ tâm thì sẽ đi đến tâm, hơn nữa nếu không có kinh nghiệm cá nhân của bạn thì họ có thể đọc ở bất cứ nơi nào khác.

  1. BRAINSTORMING VÀ MINDMAP

Tất cả những gì hiện ra trong đầu bạn, hãy viết hết ra, không cần suy nghĩ, không cần sắp xếp, không cần đánh giá. Sau đó bạn hãy vẽ mindmap và gắp các ý đó vào các khung khác nhau, nhìn tổng thể của mindmap xem đã logic, cân đối chưa.

Với cách dùng mindmap, khi đang viết ý này, có thể sẽ lại nảy ra ý ở mục khác, bạn có thể nhanh chóng chạy qua mục khác để note vào và quay lại với ý bạn đang phát triển. Bằng cách hỏi (What, why, when, where, who, how), bạn sẽ nảy ra được nhiều ý tưởng.

 

  1. VIẾT CHO MỘT NGƯỜI CỤ THỂ

Hãy tưởng tượng bạn đang viết cho một người, người đó đang cần thứ mà bạn sắp viết, bạn giúp họ một vấn đề gì đó. Tại sao điều đó lại quan trọng đối với người này?

Bạn có thể hình dung mình đang nói chuyện với họ, hoặc đang kể họ nghe một câu chuyện. Rồi hãy đưa những điều mà người đó quan tâm nhất lên đầu bài viết. (Bởi vì bạn muốn người đó nhận ra sự liên quan của họ với bài viết này).

  1. VIẾT BẢN NHÁP TỆ HẠI ĐẦU TIÊN

Bạn không nên kì vọng là mình vừa viết ra là thành tuyệt phẩm luôn, cứ viết thôi, dựa vào mindmap đã lập và bắt đầu viết, đóng chặt cửa lại khỏi có người khác đọc lại cười sằng sặc.

Có rất nhiều người dừng lại ở bước này, tức là viết xong một cái là “xuất bản” lên mạng xã hội luôn (bao gồm cả mình). Nhưng nếu như muốn nghiêm túc hơn, có hiệu quả cao hơn, tôn trọng chính bài viết của mình và thời gian đọc của người khác, thì chúng ta sẽ thực hiện thêm các bước phía sau.

  1. BỎ BẢN NHÁP

Như mình đã viết từ đầu, đó là ta nên có 3 bản nháp khác nhau ở các thời điểm khác nhau, và quay lại lục thùng rác, đọc lại và viết bản nháp thứ 4 (có thể coi là cuối cùng). Và đó là với các bài viết vô cùng quan trọng. Còn các bài viết thông thường, bạn có thể bắt đầu sau 2 bản nháp.

 

  1. BÀI VIẾT CHÍNH THỨC

Sau khi đã có nhiều bản nháp, bạn hãy tổng hợp ý hay nhất, chọn phong cách viết (kiểu liệt kê, kiểu how-to, hoặc kiểu kể chuyện…) và bắt đầu hoàn thành bài viết của mình.

Hãy làm bài viết của mình THÂN THIỆN với người đọc, làm họ háo hức đọc.

Sau khi viết xong, bạn hỏi bản thân những câu này:

  • Mình có thể làm gì để bài viết hài hước hơn một chút không?
  • Mình có thể làm gì để người đọc THẤY BẢN THÂN ở trong bài viết không?
  • Mình có thể làm gì để người đọc thấy bất ngờ hơn một chút không?
  • Mình có thể làm gì để người đọc thấy được quan tâm?
  • Mình có thể làm gì để người đọc thấy cảm động?
  • Mình có thể làm gì để người đọc cảm thấy yêu quý mình hơn?
  1. ĐẶT MỘT TIÊU ĐỀ GÂY CHÚ Ý

Người đọc thường chú ý tới các bài viết có tiêu đề bắt đầu bằng LÀM CÁCH NÀO, TIN SỐT DẺO, cái gì đó MIỄN PHÍ, một câu hỏi GÂY TÒ MÒ, một thông tin CHỨNG THỰC gì đó… và nhiều thứ khác nữa (phải có bài viết riêng về mục này).

  1. NHÌN LẠI MỘT LẦN NỮA BÀI VIẾT CỦA MÌNH

  • Bài viết này của mình nhìn có “a li mơi mơi”, “mời gọi” người đọc không?
  • Bài viết này có dễ lướt để xem ý chính không?
  • Bạn đã có các icons để gây chú ý tới người đọc chưa?
  • Các đoạn ngắn và tiêu đề nhỏ in đậm bao giờ cũng mời gọi hơn là đoạn văn dài liên tục.
  • (Đây là điểm yếu của mình, bởi vì khi viết về một vấn đề, mình hay viết rất kĩ ngọn ngành vì vậy nó dài, cho nên hơi kén người đọc, mình đang cố gắng để cải thiện điều này).

11. ẢNH

Đây là điểm yếu của mình. Nếu được, bạn hãy thiết kế một ảnh có chứa vài từ khoá chính, gây chú ý. Một bức ảnh tốt sẽ làm cho người đọc dừng lại lâu hơn nhiều so với một bức ảnh không có đầu tư công sức.

12. TRÌNH LÀNG BÀI VIẾT

Bạn hãy trình làng bài viết của mình lên nơi mà bạn muốn, nhưng đừng quên trả lời thêm một câu hỏi, bạn không muốn đem con bỏ chợ, đúng không?
Hãy hỏi “Bạn muốn người đọc của bạn làm gì?”

  • Có thể là bạn muốn người đọc tìm đọc những bài khác của bạn.
  • Có thể bạn muốn họ tham gia một chương trình bạn tổ chức.
  • Hoặc bạn muốn họ hành động điều gì đó mỗi ngày để tăng chất lượng cuộc sống của họ…

Các bước trên đây áp dụng cho việc viết những thứ rất dài như một cuốn sách, hoặc đơn giản chỉ là một status nhỏ trên Facebook. Bạn không cần phải yêu cầu bản thân mình làm theo tất cả các bước ngay lập tức, mà mỗi ngày, bạn học thêm một chút, áp dụng thêm một chút nhỏ. Hãy đặt mục tiêu mỗi ngày đều viết điều gì đó đem lại lợi ích cho người đọc của bạn nhé.

Bạn đừng mong cầu nhiều quá khi post bài nhé. Bởi vì như vậy sẽ làm mất rất nhiều thời gian và nếu ít likes quá sẽ ảnh hưởng tâm trạng của bạn. Thay vào đó, hãy dành thời gian đọc thêm về cách viết, tập viết những bài mới hơn.

Nếu bạn có câu hỏi gì, hãy để lại comment, mình sẽ trả lời nhé.

Nhớ nhé, mỗi ngày dành ra 10 phút luyện viết, bạn sẽ thấy mình tiến bộ rất nhanh nè.

Thân mến,

Lê Nguyệt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lê Nguyệt