Tự do tài chính

Quản lý tiền bạc

GIỮ CHẶT TÚI TIỀN

Corley – một nhà hoạch định tài chính đã rút ra kết luận từ cuộc khảo sát 223 người giàu có về những thói quen hàng ngày của họ: “Tôi đã học được qua 5 năm nghiên cứu rằng để trở nên giàu có thì không nhất thiết phụ thuộc vào việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà là bạn giữ lại được bao nhiêu!”

Với tiền, nhiệm vụ của bạn là bịt hết các lỗ hổng, mà muốn bịt lại thì phải lấy bút viết ra tiền của bạn chạy đi đâu?

Bạn hãy ghi ra chi phí cố định và chi phí phát sinh hàng tháng:

CHI PHÍ CỐ ĐỊNH

1. Thực phẩm (chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất): mỗi bữa ăn đều cần có sự cân bằng của 4 nhóm dưỡng chất này.

Sau này mình sẽ viết cụ thể vì nó là chủ đề rộng. Mình không muốn ghi thịt, cá, rau, sữa vì như vậy bạn khó lên kế hoạch vừa đầy đủ dưỡng chất vừa tiết kiệm.

Hãy ghi ra hiện tại trung bình mỗi tháng bạn chi bao nhiêu cho thực phẩm.

2. Sức khoẻ

+ khẩu trang, nước rửa tay
+ thẻ tập (gym, yoga, dance…)
+ Nếu có con nhỏ thì còn tiêm phòng
+ …tự điền của bạn vào nhé.
3. Học tập
+ Học phí của con
+ Tiền mua sách
+ Các khoá học bố mẹ tham gia

4. Chi phí vận hành

+ Điện, nước
+ Điện thoại, TV, Internet
+ Gas
+ Tiền gửi xe (nhà, cơ quan)
+ Phí vận hành (nếu ở chung cư)

5. Chăm sóc sắc đẹp:

+ Quần áo, giày, túi, phụ kiện
+ Dưỡng da (chống nắng, dưỡng ẩm…)
+ makeup (son, phấn…)
+ Dưỡng tóc
+ Dầu gội, xà phòng, sữa tắm, cạo râu…

7. Phụng dưỡng cha mẹ

+ Tiền hàng tháng gửi về cho cha mẹ.

8. Quỹ đen

Mình phát hiện là ở miền Nam có nhiều mẹ có quỹ đen lắm nhé. Còn ở miền Bắc ít thấy (có lẽ vì toàn bộ tiền chính là của vợ rồi nên hem cần lập quỹ đen làm giề!)

CHI PHÍ PHÁT SINH

1. Khi người thân gặp vấn đề về sức khoẻ.
2. Hiếu, hỉ, tân gia, sinh nhật, đám giỗ, hoặc đứa bạn hồi mẫu giáo vừa báo sắp thoát ế.
3. Có khách đột xuất đến thăm.
4. Du lịch
5. Các thể loại nghỉ lễ là đất dụng võ cho từ “phát sinh”: tết, 30/4, trung thu, 2/9, 20/10, 20/11, 8/3…
6. Nịnh mẹ chồng (cái này nói nhỏ thôi nhé): người đàn ông của gia đình luôn rất yêu thương mẹ (nên cô nào mà hỏi: “nếu em và mẹ anh đều rơi xuống nước, anh sẽ cứu ai trước!?” Thì đó là…con điên, vả hai cái 2 bên cho nó tỉnh).

Mình biết ơn mẹ chồng đã sinh ra và nuôi nấng một người tuyệt vời như ông xã mình, nên làm gì thì làm, vẫn phải đặt hoàng lão thái gia lên số 1: mua đồ bà thích nè, lâu lâu biếu dăm trăm nè. Tầm này năm ngoái mình dẫn bà đi Đà nẵng, Hội An, Nha Trang, Bình Thuận nè… Sắp đi máy bay mà bà cứ lo “Mẹ sẽ cố nhịn chứ đi vệ sinh rồi nó rơi xuống đầu người ta thì tội họ lắm!!!” (Nghe cưng hông!).

Mỗi gia đình sẽ có những đặc thù riêng nên bạn hãy dành thời gian xem xét thêm còn có những lỗ hổng nào mà tiền chảy ra nhé.

Có những thứ không phải tháng nào cũng mua, bạn hãy chia ra mỗi tháng chi phí cho thứ đó là bao nhiêu nhé.

BỊT CÁC LỖ HỔNG

Có những lỗ hổng bạn cứ để nó chảy theo ý bạn. Nhưng rất nhiều lỗ hổng chảy 1 cách vô ích thì cần bịt lại nhé.

Hồi xưa lúc chưa kiếm được tiền, mình đã đi học 4-5 khoá kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, tư duy…với chưa đầy 100K, vì “If you really want to do something, you will find a way.” (Tạm dịch: Nếu rất thích sẽ tìm cách nhích cho bằng được.)

Chỉ cần hỏi bản thân HOW?

“Làm thế nào để chăm sóc sức khoẻ tốt hơn với chi phí thấp hơn!?”

“Làm thế nào để có bữa ăn an toàn, đủ chất cho gia đình với chi phí nhỏ hơn?”

“Làm thế nào để đẹp hơn với số tiền chi cho mĩ phẩm thấp hơn?”

“Làm thế nào để các chi phí vận hành giảm xuống còn 1 nửa?”

Bạn cứ hỏi, rồi viết mỗi câu hỏi ra giữa tờ giấy, cả nhà cùng nhau nghĩ câu trả lời, không được dừng lại trước khi có ít nhất 20 ý tưởng. Chỉ viết thôi, không phán xét đúng sai nhé.

Viết xong thì thấy cái nào thực thi được ngay và luôn thì triển thôi.

Đơn giản vậy đó, làm đi!

Việc nhỏ hông làm thì việc lớn hông thành!

Tâm sự thêm:
Mỗi người sẽ muốn một phong cách sống khác nhau, có người thích tiêu 80% thu nhập và góp 20% để 45 tuổi mua nhà, đó là quan điểm cá nhân, mà quan điểm thì không tranh cãi, chỉ ai thấy phù hợp thì làm thôi.

Hôm trước có bạn comment ở bài share “Không ăn hết những quả trứng đầu tiên” là sống như cô Nguyệt là sống dưới mức trung bình, là hà tiện.

Xin thưa là nhà mình chọn lựa giữ lại những gì làm cả nhà khoẻ và hạnh phúc, bỏ đi những vật ngoài thân không cần thiết. Nhà mình thích gì làm nấy, thèm gì ăn nấy, muốn đi đâu là sáng mai xách 1 cái ba lô cho cả nhà và lên đường!!! Vì không tiêu xài vào những thứ linh tinh nên luôn có ĐỦ tiền để làm những gì mình muốn!

Nhà mình có thể giảm 88 triệu tiền cho người thuê nhà, miễn phí ship cho người mua hạt đợt dịch vừa rồi, làm thế thấy mình sống có ích, và rất vui khi làm vậy, nhưng lại rất khó chịu khi ai đến nhà, rồi vào nhà vệ sinh đi ra không tắt điện, dùng xong không tắt quạt, ăn thì không vét hết bát cơm.

Đừng nhầm lẫn giữ chặt túi tiền với việc hà tiện bạn yêu nhé.

Yêu thương thì thả tim, thấy hữu ích thì comment để lấy sức chép tiếp step 4 nè!(dạo này thực đơn toàn likes với tim tim với thương thương, hông ăn món gì khác đâu nhá!

Love from ngôi nhà toàn kính,

Lê Nguyệt

9 thoughts on “Quản lý tiền bạc

  1. Em luôn cảm thấy rất ủng hộ lối sống này của gia đình cô. Cám ơn cô vì những bài viết luôn luôn hữu ích ạ ^_^!
    P.S. “Sắp đi máy bay mà bà cứ lo….”
    Đọc xong câu này của cô vui cả ngày ạ. Hahaha!

  2. Cám ơn cô rất nhiều về những chia sẻ hữu ích, nhờ những chia sẻ của cô mà em có thể quản lí tài chính tốt hơn và không bị mất tập trung vào quá nhiều thứ ko cần thiết. Hóng những bài tiếp theo của cô ạ, ngưỡng mộ cách suy nghĩ và lối sống của cô, hi vọng thời gian ko xa em cũng đạt được sự tự do tài chính như cô để về quê bay nhảy.

  3. Em cảm ơn cô vì được hưởng ké sự tài giỏi của cô quá nhiều! Cảm ơn sự chia sẻ của cô ạ!
    Em chúc cô và gia đình nhiều sức khoẻ ạ!
    Love from Bến Tre <3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lê Nguyệt