CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG TRUNG TỪ SỐ 0 CỦA NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU
CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG TRUNG TỪ SỐ 0 CỦA NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU
Chào cả nhà, mình mới bắt đầu tự học tiếng Trung khoảng vài tháng. Nhưng trước đó mình đã học và dạy tiếng Anh thời gian dài, cũng học cao học về phương pháp dạy học cho nên theo mình nghĩ PHƯƠNG PHÁP đúng sẽ là chìa khoá để giúp mình đạt mục tiêu nhanh nhất. Mặc dù trình độ của mình bây giờ còn gà mờ, nhưng mình cảm thấy con đường đang đi giúp mình tiến bộ khá nhanh, vậy nên hôm nay xin phép chia sẻ một chút dành cho các bạn mới đầu và thấy mọi thứ thật mông lung nhé.
- QUY TRÌNH HỌC NGÔN NGỮ
Quá trình học bất cứ ngôn ngữ nào cũng giống như trẻ em học tiếng mẹ đẻ vậy. Từ lúc bắt đầu sinh ra, trẻ con bắt đầu nghe âm thanh từ bố mẹ và những người xung quanh. Lúc đầu trẻ không hiểu nhưng lâu dần, dựa vào hoàn cảnh lúc đó, trẻ sẽ dần dần hiểu thêm (Ví dụ bố mẹ nói “uống nước đi con”, và đưa nước cho con, việc này lặp lại nhiều lần thì trẻ sẽ hiểu).
Sau khi đã nghe rất nhiều như vậy, trẻ bắt đầu bắt chước, có bé thì 1,5 tuổi, có trẻ thì 2 tuổi mới bắt đầu tập nói. Lúc đầu chỉ một vài từ, và bị ngọng (chính là phát âm sai), sau đó trẻ dần bắt chước được các câu dài hơn và đỡ ngọng dần. Mãi tới lúc 6 tuổi học lớp 1 trẻ mới bắt đầu học đọc và viết, và nếu mình nhớ không nhầm thì hồi nhỏ phải tới lớp 3 gì đó mới bắt đầu học ngữ pháp.
Trên đây chính là quá trình tự nhiên của việc học ngôn ngữ. Nhưng có nhiều phương pháp lại nhấn mạnh quá nhiều tới ngữ pháp và học từ riêng lẻ, do đó hiệu quả rất thấp, người học không cảm thấy tiến bộ từng ngày và mất động lực tiếp tục cố gắng. Vậy nên bạn hãy sắp xếp lại nhé, ưu tiên thật nhiều thời gian cho việc nghe ở giai đoạn đầu, sau đó tập bắt chước những gì mình nghe thấy, rồi khi có cơ bản rồi mới bắt đầu đọc sách hoặc truyện dài bằng tiếng Trung.
- NÃO NGƯỜI YÊU THÍCH CÁC CÂU CHUYỆN
Từ thời xa xưa khi chưa có chữ viết, người ta thường thông qua các câu chuyện để dạy các thế hệ sau, bởi vì não của chúng ta yêu thích các câu chuyện, vậy nên mình chọn học tiếng Trung qua các câu chuyện ngắn.
Mình bắt đầu bằng một câu chuyện nhỏ, tra từng từ để biết nghĩa của nó. Trong câu chuyện mình chọn, họ kể một câu chuyện bằng vai ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Sau đó họ sẽ hỏi khoảng 8-10 câu hỏi đơn giản để mình có thể dễ dàng trả lời. Sau khi hiểu nội dung câu chuyện đó, mình nghe phần đọc của chính câu chuyện đó, mình cho tai nghe lên tai và nghe bất cứ lúc nào có thể (lúc đi trên đường, nấu ăn, tập thể dục, lúc chờ ai đó, nói chung bất cứ lúc nào tai của mình rảnh thì lại bật lên để nghe.) Bằng cách này mình giúp tạo ra môi trường nghe giống như trẻ con nghe người lớn nói. Mỗi tuần mình học thêm một bài, dần dần playlist của mình dài ra và nghe nhiều bài khác nhau thay đổi.
Bằng cách học qua câu chuyện, bạn sẽ cùng lúc học phát âm, ngữ pháp một cách tự nhiên. Bản thân mình không thể nào học thuộc được các từ riêng lẻ, và nếu có học được thì cũng không biết cách dùng. Nhưng khi học theo từng câu trong một câu chuyện, mình thấy thật dễ hiểu và dễ nhớ.
Mình vừa nghe vừa bắt chước, để cơ miệng của mình quen dần với cách phát âm của người bản xứ. Nếu từ nào bị quên, mình có thể tra lại từ đó.
Khi mình học theo từng câu, mình sẽ đánh máy câu đó trong tiếng Trung vào phần note của ĐT, bằng cách này mình nhớ mặt chữ tốt hơn.
Mục tiêu của mình là có thể đọc và nghe/xem tiếng Trung, có thể hiểu 70-80% mà không cần phụ đề, vậy nên mình ưu tiên việc đánh máy hơn là viết tay.
- MỘT NGÀY NÊN LÀM NHỮNG GÌ?
Mỗi ngày mình dành 15 phút để đọc, 15 phút để đánh máy bài mình đang đọc và tận dụng càng nhiều thời gian càng tốt để nghe. (Nhớ rằng việc đọc và đánh máy là để hỗ trợ cho quá trình nghe suốt cả ngày).
Chìa khoá chính là luyện tập hàng ngày.
Trên đây là vài chia sẻ từ kinh nghiệm ít ỏi của cá nhân, rất mong được học hỏi thêm từ cả nhà.
Chúc các bạn tiến bộ hàng ngày nhé.