KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG ANH

CHƯƠNG 4: CHÌA KHÓA ĐỂ HỌC VIÊN MUỐN LUYỆN TẬP

Cách Để Học Viên Ham Mê Học Tập

“Luyện tập tạo nên sự tự tin. Sự tự tin làm cho bạn mạnh mẽ.” (Simone Biles)

Có lẽ đối với rất nhiều giáo viên ở các trường cấp 1,2,3, cao đẳng, đại học nói chung và các giáo viên tiếng Anh nói riêng, việc đau đầu nhất đó là học viên không muốn học, họ chỉ muốn ngay lập tức có thể sử dụng được tiếng Anh.

Nguyên nhân học viên không muốn học:

  • 1. Bài học không thú vị, cuốn hút.
  • 2. Bài học quá khó, học viên không hiểu, không theo kịp dẫn đến bị nản và không còn muốn cố gắng nữa vì họ tin rằng “dù có cố đến mấy thì cũng chẳng được gì.”
  • 3. Học viên mệt mỏi, lo lắng, tâm trạng không vui do những vấn đề riêng của cá nhân.
  • 4. Học viên không hiểu mình học cái này để làm gì, dùng lúc nào, ở đâu và nó có ích lợi cụ thể gì cho bản thân.
  • 5. Không khí lớp học thiếu năng lượng, các thành viên khác không làm cho học viên thoải mái học tập.

CHÌA KHÓA GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ

* Vấn đề số 1: Bài học không thú vị, cuốn hút.

Mọi bài học đều phải vô cùng lôi cuốn, hấp dẫn nghe có vẻ xa xỉ đối với hầu hết các giáo viên. Bản thân mình trước đây cũng từng mất ăn mất ngủ, lo lắng không biết phải làm sao. Nhưng từ khi tìm ra được các bước dưới đây, mình thấy mọi việc thật đơn giản, dễ dàng và thú vị.

  • Step 1: Giáo viên hàng ngày cần đánh vào google, youtube “The best method to learn English/ to teach English” để tìm hiểu những phương pháp mới. Chỉ một ngày thôi đã có rất nhiều người đưa ra hàng trăm ý tưởng hay ho, những phần mềm mới, những ý hay mà bạn có thể áp dụng vào bài dạy của mình.
  • Step 2: Mỗi buổi học đều hỏi mình một câu “Có cách nào để mình làm cho bài học hôm nay thú vị hơn 1% so với lần trước không?”, bạn cố gắng nghĩ ra ít nhất 20 câu trả lời, 5 câu trả lời đầu có vẻ đơn giản, 5 câu tiếp theo sẽ làm bạn phải nhăn trán, 5 câu nữa sẽ làm bạn phải uống hết một cốc nước đầy, 5 câu cuối cùng sẽ làm bạn vò đầu bứt tai, nhưng những câu trả lời thứ 20 thường là những câu đột phá và giúp cải tiến hay nhất, hiệu quả nhất.
  • Step 3: Áp dụng ngay vào bài dạy hôm nay.
    Nếu bạn thực hiện hàng ngày, sau 1 năm hiệu quả sẽ gấp 37 lần trước đó.
    BÀI TẬP HÀNH ĐỘNG (ACTION EXCERCISE):
    Bạn hãy viết ra 20 ý tưởng có thể giúp bạn trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh giỏi nhất Việt nam.

* Vấn đề số 2: Bài học quá khó, học viên không hiểu

Học viên không theo kịp dẫn đến bị nản và không còn muốn cố gắng nữa vì họ tin rằng “dù có cố đến mấy thì cũng chẳng được gì.” Tâm lý thông thường của 98% con người “thấy khó là nản, thấy chán là bỏ”, giáo viên nhất quyết phải hiểu được tâm lý này, nếu không mọi nỗ lực khác đều đổ sông đổ bể. Giống như một con chim thần chia sẻ cách kiếm 1000 dollars mỗi ngày cho bạn, đảm bảo thành công, nhưng mà nó hót tiếng chim, con người không hiểu nên kết quả là con số 0.

Trong dạy học có một nguyên tắc gọi là MASTERY LEARNING, nguyên tắc này nhấn mạnh việc đảm bảo học viên phải hiểu 100% nội dung cũ mới được chuyển sang nội dung mới. HLV cần nhận feedback liên tục để nắm rõ mức hiểu của học viên. Có thể sử dụng những phương pháp sau:

  • (1) Time – out sign: Từ đầu, HLV nhắc học viên là bất cứ lúc nào không hiểu, hãy để chéo tay thành hình dấu nhân để báo hiệu cho HLV, lúc đó HLV sẽ dừng lại và làm rõ những điều khúc mắc.
  • (2) DỊCH ra tiếng mẹ đẻ.
  • (3) HỎI XOÁY ĐÁP XOAY thật nhanh, nếu như học viên phản ứng chậm, chứng tỏ vẫn chưa hoàn toàn hiểu 100%, cần sự luyện tập thêm.
  • (4) ĐẾM NGÓN TAY: Học viên đưa số ngón tay lên để thể hiện mình hiểu bao nhiêu phần trên 10. Nếu đưa 5 ngón có nghĩa là hiểu 50%.
    Bài tập hành động:
    Hãy nghĩ ra thêm ba cách để kiểm tra mức độ hiểu bài của học viên.

* Vấn đề số 3: Học viên mệt mỏi, lo lắng, tâm trạng không vui do những vấn đề riêng của cá nhân.

Học viên là những con người cụ thể, với tính cách, tâm trạng, sở thích khác nhau, do vậy không nên coi cả lớp là một tập thể và huấn luyện cho tập thể đó, mà HLV cần dựa vào điểm mạnh, điểm yếu của mỗi cá nhân để giúp họ đạt mục tiêu nhanh nhất.

Nhưng có rất nhiều bạn sẽ bị bối rối, bạn không biết phải làm sao khi học viên đang đau khổ vì vừa bị người yêu đá, bạn không biết phải làm sao khi học viên vừa bị trộm hết đồ, bạn cũng không biết xử lý thế nào khi một học viên vừa cãi lộn với bố mẹ… May mắn cho bạn là những vấn đề này ai cũng mắc phải cho nên ông Dale Carnegie đã dành cả cuộc đời mình tìm cách giải quyết và cho ra quyển sách How to win friends and influence people ( Đắc nhân tâm).

Nếu là người đứng trên bục giảng, bạn đang “làm dâu trăm họ”, và bí quyết nằm trong cuốn sách này, và chỉ những người thực sự yêu học viên, yêu nghiệp dạy học mới có thể áp dụng nó thành công. Quyển sách này bạn cần gối ở đầu giường, đọc liên tục, đọc đi đọc lại hàng trăm lần để ngấm dần và thực hành hàng ngày.

Ngày xưa mình bị gọi là “tồ” vì “ăn không nên đọi, nói không nên lời” nhưng từ khi đọc đắc nhân tâm, đã hiểu ra con người mình hơn, đã hiểu ra cách giao tiếp và hiểu tâm lý của người khác để thuyết phục họ làm những điều có lợi cho chính họ, để họ cố gắng thành công trong tiếng Anh, khi họ thành công, có nghĩa là mình đã thành công. Đơn giản như là nở nụ cười với một người lạ, nghe thì dễ mà tập mãi mới làm được đấy nhé.

Chỉ khi giáo viên thực sự nhìn từng học viên, mới biết được tâm trạng của họ (thậm chí khi họ đang cố giấu). Sau giờ học hãy mời học viên đó ở lại để tâm sự, chia sẻ, đôi khi chỉ là lắng nghe cũng đã giúp ích rất nhiều. Sau khi tan lớp, hãy gửi học viên đó những tài liệu hoặc nội dung giúp họ có thể tìm hiểu và vượt qua được khó khăn hiện tại. Họ sẽ biết ơn bạn như một người bạn và họ sẽ không muốn phụ lòng bạn, từ đó họ sẽ chăm học hơn gấp nhiều lần để tiến bộ và làm bạn tự hào.

Một lần nữa, bạn không thể giả vờ quan tâm ai đó được, vì nếu vậy bạn chỉ làm được vài lần rồi thôi hoặc dù bạn có hỏi han nhưng học viên sẽ không CẢM NHẬN được sự chân thành xuất phát từ trái tim bạn.
Bài tập hành động:
Hãy mua cuốn sách Đắc nhân tâm (phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt) và bắt đầu đọc chương đầu tiên ngay hôm nay.

* Vấn đề số 4: Học viên không hiểu mình học cái này để làm gì, dùng lúc nào, ở đâu và nó có ích lợi cụ thể gì cho bản thân.

Hầu như bạn sẽ không tập trung nếu như có người hướng dẫn bạn cách nhảy dù an toàn, vì bạn biết rằng có lẽ chẳng bao giờ mình có cơ hội trải nghiệm nên sẽ không quan tâm. Nếu học viên của bạn đi học bởi vì bố mẹ bắt đi học, hoặc đi học do bạn bè rủ rê, hoặc đơn giản là thấy ai cũng đi học nên mình đi học thì HLV sẽ rất vất vả để giúp các bạn ấy tiến bộ. HLV cần giúp học viên xác định rõ mục tiêu của mình.

Hồi 23 tuổi, trong lúc lang thang trên các hiệu sách ở Đinh Lễ, mình được một bạn nam lạ mặt bảo “bạn hãy mua quyển Chinh phục mục tiêu của Brian Tracy đọc đi, hay lắm!” Mình mua cuốn sách đó về đọc và làm theo, kết quả là cuộc đời mình hoàn toàn thay đổi từ đó.

Mình đọc xong cuốn sách và thu nhập của mình tăng lên từ 4 triệu thành 20 triệu. Sau đó mình đã áp dụng quy trình tương tự để lên mục tiêu mua ngôi nhà mơ ước, và mình đã đạt được. Quyển sách này thực sự là quyển sách tuyệt vời nhất mà mình từng đọc.

Sau khi được mình giới thiệu, rất nhiều học viên của mình đã đọc và áp dụng và đạt được những kết quả trên cả sự mong đợi. Bây giờ đến lượt bạn nhé.

Hãy lấy bút và giấy ra để chuẩn bị nhìn thấy cuộc đời mình hiển hiện lên trang giấy. Đây có thể là một ngày LỊCH SỬ trong cuộc đời bạn, vì nếu bạn trả lời nghiêm túc mọi câu hỏi phía dưới, bạn gần như có thể đạt được bất cứ điều gì bạn từng mơ ước.

Bạn có thể áp dụng cho bản thân mình, và cũng có thể áp dụng cho học viên và người thân. Nào, bạn đã sẵn sàng chưa?

THE 10 GOAL METHOD
Phương pháp 10 mục tiêu
• CLEAR PAPER + A PEN Một tờ giấy + bút • “ GOALS “ AT THE TOP Trên đầu tờ giấy ghi “MỤC TIÊU”.
Bạn hãy ghi ra 40 mục tiêu muốn đạt được trong cuộc sống, từ giờ cho tới cuối đời.

Để tờ giấy đó sang một bên.

Tiếp theo, lấy một tờ giấy mới, ghi ra 40 mục tiêu bạn muốn đạt được trong cuộc sống.

Rồi lại để tờ giấy đó sang một bên

Bạn tiếp tục lấy một tờ giấy mới, ghi ra 40 mục tiêu của bản thân.

Sau 3 lần viết như vậy, có thể có những mục tiêu sâu thẳm nhất đã được viết ra.

Lúc này bạn hãy khoanh tròn 10 mục tiêu ý nghĩa, quan trọng và hữu ích nhất với bạn. Rồi viết ra một trang giấy mới. Đó chính là những gì bạn sẽ hành động để đạt được kể từ giây phút này.

Đối với mỗi mục tiêu, hãy ghi thật rõ ràng theo các mục dưới đây:

• DIFFICULTIES (những khó khăn)
• ADDITIONAL INFORMATION AND SKILLS (Kiến thức, kĩ năng cần thiết)
• PEOPLE YOU NEED (Những người hỗ trợ)
• MAKE A PLAN (Lên kế hoạch)
• TAKE ACTION RIGHT NOW (Hành động ngay lập tức)
• NO EXCUSES (KHÔNG NGỤY BIỆN)

* Vấn đề số 5: Không khí lớp học thiếu năng lượng, các thành viên khác không làm cho học viên thoải mái học tập.

Mỗi lớp học cần gắn kết với nhau như một gia đình, lớp học nên là nơi mà mọi người mong ngóng để được đến, để được vui chơi, kết nối với nhau, để được giúp đỡ và đôi khi là thi đua với nhau.

Có rất nhiều học viên của mình đã chia sẻ rằng các bạn ấy chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để được đến lớp hai buổi mỗi tuần. Cảm giác thân nhau như hồi học lớp 12 vậy. Có những bạn đến lớp không chỉ để luyện tiếng Anh, mà đôi khi là vì cô bạn ngồi bên, đôi khi là vì một nhóm cùng cạ, đôi khi là vì một chút xuyến xao tuổi trẻ với ai đó, và trong nhiều trường hợp là được làm chính mình, được thấy mình thuộc về một cái gì đó lớn hơn bản thân mình.

Qua nhiều năm thử nghiệm và áp dụng, mình nhận thấy rằng không khí lớp học đóng góp đến 30% sự thành công của lớp học đó. Bạn cũng có thể tạo nên môi trường học tập lý tưởng cho bất cứ tập thể nào với các bước sau:

*Step 1: Chọn leader

Phụ thuộc vào số lượng học viên, HLV có thể chia học viên thành 2 hoặc 3 đội để thi đua với nhau. Việc chọn leaders cần thực hiện ở buổi số 2 hoặc 3, khi không khí tươi mới hăng hái đang còn tràn ngập. HLV cần thuyết phục mọi người xung phong làm leaders vì đây là cơ hội rèn dũa các kĩ năng mềm cực kì hữu ích trong công việc sau này nếu muốn làm sếp. Sau khi lớp đã bầu chọn được leaders cho các đội, giáo viên cần chia sẻ để các leaders nỗ lực, cố gắng để hướng tới trở thành một leader lý tưởng.
ĐẶC ĐIỂM CỦA LEADER LÝ TƯỞNG

Step 2: Offline kết nối

Bạn hãy lên outline cho một buổi offline kéo dài 3 tiếng (và sau đó là tăng hai ăn uống, tăng ba hát hò).
Buổi offline cần được thiết kế với mục đích học: 50%, kết nối 50% để mọi người xóa dần khoảng cách với nhau.
Cứ 8 buổi học nên có một buổi offline để hâm nóng lại không khí. Có những bạn chỉ thực sự yêu lớp học sau buổi offline, và khi đã yêu rồi thì bảo “trèo đèo lội suối” còn làm được, huống chi là luyện tập tiếng Anh.

Step 3: Liên lạc trực tiếp với học viên

Lý tưởng nhất là mỗi tuần đều gửi bảng kết quả luyện tập cho học viên, nhận xét kĩ các kĩ năng khác nhau, khen ngợi những mục học viên đã làm tốt, nhanh chóng kịp thời nhắc nhở nếu như có dấu hiệu bất thường. Mỗi lớp đều có một file riêng để ghi rõ tình hình của từng học viên, HLV cần bổ sung tình hình liên tục để nắm được mức độ tiến bộ.

Mời bạn tiếp tục hành trình với

CHƯƠNG 5: THÓI QUEN GIÚP BẠN TRỞ THÀNH MỘT HUẤN LUYỆN VIÊN TIẾNG ANH HÀNG ĐẦU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *