LÀM SAO ĐỂ CON TỰ GIÁC HỌC?
CÁC BƯỚC ĐỂ CON CHỦ ĐỘNG HỌC TẬP
Bản chất của việc học là gì? Con gà con khi sinh ra sẽ đi theo mẹ để học cách tìm mồi, con nghé con hay hầu hết các loài vật khác đều vậy, trước tiên là bắt chước tất cả những gì nhìn thấy, luyện tập nhiều lần và rồi thành thục, việc học đi học chạy, học nói lúc nhỏ của trẻ đều là như vậy.
Thời xa xửa xa xưa, khi chưa có trường học, trẻ con học từ người lớn trong gia đình và làng xã. Sau này khi trong làng có những người biết chữ hoặc hiểu biết, những người khác sẽ gửi con tới để được học hỏi từ những người này.
Thời đại ngày nay đã rất khác xưa, khi nhiều người quên dừng lại và hỏi bản chất thực sự của việc học là gì? Chắc mỗi người sẽ có đáp án riêng, nhưng với gia đình mình, học là để hiểu biết, cho nên sẽ không bao giờ cho con đi học thêm chỉ để biết làm bài trước những bạn khác, theo mình, đó là một sự gian lận trắng trợn, trơ trẽn.
Có lần Đan chưa làm bài và bị cô đánh, bố mẹ giải thích với Đan về quyền trẻ em là cô không được phép làm vậy, giải thích về việc tại sao cô lại có hành vi như vậy, đó là do trước đây cô được giáo dục trong gia đình theo kiểu đó, cô chưa được học nhiều hơn để hiểu biết rằng có nhiều phương pháp hữu hiệu hơn là việc đánh, giải thích luôn rằng trong cuộc sống, mình không điều khiển được việc người khác suy nghĩ và hành động như nào, bản thân mình hiểu và hành động đúng là được.
Bố mẹ chấp nhận để Đan “nếm mùi đời” như bản chất cuộc đời nó thế, chứ không tìm đủ mọi cách bảo bọc trong một môi trường lý tưởng để rồi sau này cuộc đời nện cho vài gậy lại choáng váng ngã vật luôn không đứng dậy được.
Bố mẹ cũng không can thiệp chuyện học của Đan, không thúc giục hay yêu cầu phải làm gì, bởi vì nếu không hoàn thành, cô giáo tự phạt, tự lãnh hậu quả, lần sau sẽ tự rút kinh nghiệm để chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Bố mẹ nói rõ với Đan là nếu như lười học và bị lưu ban thì đối với bố mẹ, điều đó không thành vấn đề, đi học chỉ cần vui vẻ, biết đọc, viết, làm toán, vậy là được, những thứ khác hay thì tiếp thu, không hay thì tùy. Chắc hẳn rằng không nhiều bố mẹ khác có thể chịu được việc con bị lưu ban (nếu có), thậm chí vài con điểm 6,7 là la mắng ép buộc con học ngày đêm rồi, bố mẹ có tự hỏi việc đó liệu thực sự có ích hay không?
Bởi vì bản chất của việc học ở trường, chẳng qua là để chuẩn bị cho con sau này khi trưởng thành có một công việc thật tốt, đảm bảo cuộc sống cho con và gia đình nhỏ của con, nhưng muốn có một công việc tốt thì cần những gì?
Một công việc tốt nói chung thường sẽ liên quan tới việc cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó mà nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để dùng, sản phẩm và dịch vụ càng ít người có khả năng cung cấp thì người ta càng sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra cho bạn để đổi lấy.
Những kĩ năng cơ bản nào cần có?
- Kĩ năng giải quyết vấn đề
- Kĩ năng phân tích
- Kĩ năng giao tiếp
- Thuyết trình thuyết phục
- Tiếng Anh
- Sử dụng công nghệ
- Kĩ năng viết
- Kĩ năng lập kế hoạch để đạt mục tiêu…
Những phẩm chất nào cần có?
- Trung thực: Chịu trách nhiệm với hành động và lời nói của bản thân.
- Chủ động: tự lập, đi nhiều, nhìn thấy nhiều, giao lưu với nhiều bạn nhiều người, cho thử nếu như thấy hứng thú.
- Sáng tạo: tạo ra cái mới, làm cuộc sống của mình nhiều màu sắc hơn và đạt hiệu quả cao hơn một chút mỗi ngày, cái này trẻ con rất giỏi, nhưng nhiều bố mẹ lại cứ muốn con thật là ngoan, làm theo ý sắp đặt của người lớn cơ!
Nhìn vào danh sách, ta thấy ở trường sẽ học được nhiều con chữ, nhưng theo quan điểm cá nhân của mình, nó chỉ chiếm 3/10 những gì cần thiết mà thôi. Tuy nhiên một số bố mẹ lại yêu cầu con dành 9/10 thời gian cho việc đó. Còn những thứ khác thì lại nghĩ nhà trường đã dạy hết rồi. Cả ngày con học chữ ở trường, tối và cuối tuần là thời gian để bố mẹ tạo điều kiện cho con có thêm những kĩ năng còn lại, nhưng bố mẹ lại yêu cầu con tiếp tục học con chữ cho “bằng bạn bằng bè”.
Ngày nay là thời đại công nghệ thông tin, kiến thức có thể dễ dàng tìm thấy ở trên Internet, nên nếu như có lợi thế về kiến thức, có vẻ lợi thế đó không mạnh cho lắm. Mà quan trọng là có nhiều kĩ năng giúp vận dụng các kiến thức sẵn có để phục vụ lợi ích của nhiều người, khi phục vụ được càng nhiều người, thì tiền bạn muốn bao nhiêu cũng được.
Việc học sẽ hiệu quả nhất khi thực sự “làm” việc đó, cho nên khi mình muốn tiếng Anh của mình thật giỏi, thì mình dạy tiếng Anh. Khi muốn viết thật hay thì mình đọc thật nhiều rồi viết nhiều lên. Khi muốn hiểu những người buôn bán họ làm những gì thì mình cũng trở thành người cung cấp hạt dinh dưỡng, hồi trước đi học thuyết trình và rồi khả năng thuyết trình của mình tăng dần lên qua quá trình dạy học và luyện tập thêm mỗi ngày.
Đan thích xem một số kênh Youtube yêu thích, và cũng tự quay video, quá trình đó mẹ sẽ gợi ý một chút về quy trình, rằng cần mở đầu, thân bài, kết luận ra sao.
Đan đọc Doraemon và vì đọc đi đọc lại nhiều lần nên cũng có nhiễm chút hài hước từ đó, kế hoạch của mình là sau tầm 1 năm, khi Đan đã ngấm tiếng Anh qua Netflix (cả việc chép 2 trang mỗi ngày để quen mặt chữ) thì sẽ đọc sách dành cho thiếu nhi bằng tiếng Anh, qua đó rèn luyện tư duy và hiểu biết. Bởi sách là thức ăn cho tâm hồn mà.
Vậy, để con chủ động học tập điều gì đó (chứ không chỉ là việc học ở trường), thì cần:
1.Bố mẹ cần xác định bản chất thực sự của việc học là gì
2. Lắng nghe và luôn trả lời các câu hỏi của con, để hiểu con đang quan tâm tới điều gì, từ đó giải thích cho con hiểu muốn làm được điều đó thì cần luyện kiến thức, kĩ năng nào, lặp lại đủ nhiều thì con sẽ dần dần hình thành ý muốn được luyện tập những kĩ năng đó. Lúc con sẵn sàng, thì việc học sẽ hiệu quả gấp hàng chục lần so với việc bị ép làm mà không liên quan đến động cơ bên trong từ con.
3. Tạo mọi điều kiện tốt nhất để con được luyện tập, thực hành điều đó.
Ví dụ:
+ khi Đan muốn nuôi mèo thì sẽ tự động search các video nói về cách chăm sóc, huấn luyện mèo, và việc của bố mẹ là kiếm cho Đan 1 con mèo.
+ Khi Đan muốn làm Youtuber thì bố mẹ cho Đan dùng điện thoại để quay video, hỗ trợ xem và góp ý, hướng dẫn cách search làm sao để ra các video dạy cách trở thành youtuber.
+ Khi Đan sẵn sàng học tiếng Anh thì hỗ trợ học cùng ở giai đoạn đầu, để ý đến lộ trình đến lúc nào thực hiện bước tiếp theo như là chép tiếng Anh hay dịch nghĩa. Đầu tư mua Ipad để tra từ điển…
4. Bố mẹ tuyệt đối không được máy móc, đòi hỏi, mong chờ quá nhiều. Mỗi bạn trẻ sẽ có tốc độ học và sở thích khác nhau, chỉ cần mỗi ngày tiến bộ một chút là được, không nóng vội. Riêng với tiếng Anh, bố mẹ đừng hỏi là “Hôm qua học được từ nào nói nghe xem nào”. Nó không hoạt động theo kiểu như vậy đâu! Cần thời gian ngấm, tới lúc đủ tác động vào tiềm thức, sẽ tự động bật ra thậm chí khi ngủ mớ nhé.
Mỗi đứa trẻ đều thông minh và khác biệt, bố mẹ hãy tạo mọi điều kiện cho con phát triển theo cách riêng của con nhé.
Chúc cho bố mẹ có nhiều thời gian dành cho con hơn nhé!
Nếu có câu hỏi hay thắc mắc, hay mong muốn Lê Nguyệt viết thêm về điều gì, bạn hãy để lại comment ở phía dưới nha. Mình sẽ đọc và trả lời tất cả các comment của các bố mẹ.
Những chia sẻ rất tuyệt em ơi
Dạ em cám ơn ạ, hãy thường xuyên ghé đọc những bài sau nhé ạ! hì!
Tuyệt vời quá c ơi.