KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG ANH

MỤC ĐÍCH CỦA HỌC NGÔN NGỮ LÀ ĐỂ GIAO TIẾP, KHÔNG PHẢI ĐỂ HOÀN HẢO

Một đứa trẻ sinh ra sẽ nghe rất nhiều từ người lớn, và đến khi khoảng 2 tuổi thì bắt đầu bắt chước những gì mà bé nghe thấy. Bé không sợ mọi người cười vì mình nói ngọng (phát âm sai), bé không sợ mọi người cười vì mình nói lẫn lộn các từ trong câu với nhau (sai ngữ pháp).
Mà mục đích “quyết tâm học nói” là để bảo mấy bà cô dừng cái trò hôn hít lại đi, là để đưa ra yêu cầu nào đó (trước đây chỉ khóc và cười là ba mẹ hiểu, nhưng giờ nhu cầu nhiều hơn nên đành học nói để thể hiện cho rõ, ahihi).

 

Trước tiên là bắt chước những gì mình nghe thấy, rồi nhại lại theo. Đến tận 6 tuổi thì bắt đầu học chữ (trước đã nói được rất rất nhiều rồi).

 

Vậy nghĩa là để đến bước nói được nhiều và đúng, trước tiên bạn phải MỞ MIỆNG RA và NÓI SAI. Cứ bắt chước, và nếu có sai thì đâu có vấn đề gì, vì lần sau gặp lại, mình lại chỉnh lại, và nhiều lần nghe thì nhiều lần chỉnh và cuối cùng là giống như cách người bản ngữ nói thôi.

Tuy nhiên có những bạn nghĩ rằng mình phải NHIỀU TỪ VỰNG, NGỮ PHÁP PHẢI CHUẨN, PHÁT ÂM PHẢI TÂY thì mới dám mở miệng để nói. Như vậy là đi ngược lại quy trình học ngôn ngữ tự nhiên rồi mà.

 

Hãy dành thời gian mỗi ngày để nghe tiếng Anh, nghe CHỦ ĐỘNG (ngồi trước máy tính và học: 20 phút) và nghe THỤ ĐỘNG (cho tai nghe lên và nghe lúc làm việc khác như tập thể dục, nấu ăn, quét nhà, lau nhà, đánh răng, rửa bát, trang điểm, hái rau, đi trên đường, chờ người khác, trước khi đi ngủ…).

 

Não bộ của chúng ta sẽ phản ứng tốt hơn với những nội dung thú vị và âm thanh dễ nghe. Bạn cần chủ động tìm những nội dung hấp dẫn, thú vị đối với bạn, những nội dung đó nếu có thể gợi lên cảm xúc là tuyệt vời nhất, với vì kết nối trong não sẽ mạnh mẽ hơn.

Mình nghe ở đâu đó có câu nói khá thú vị như này “Nếu tôi có 8 giờ để chặt cây, tôi sẽ dùng 6 giờ để mài rìu”. Để học tiếng Anh cũng vậy, bạn hãy dành thời gian để chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất, chọn cho mình những nội dung thú vị với bản thân nhất, rồi bắt đầu nghe (+đọc) những nội dung này. Các nội dung đó nên:

 

+ CÓ TÍNH LIÊN QUAN: Tức là cần liên quan tới bạn, ví dụ bạn là bác sĩ, bạn có thể thích các nội dung y học. Chứ nếu bạn là kế toán, và đưa cho bạn nội dung khoa học về tên lửa, thì đương nhiên bạn không quan tâm rồi.

 

+ THÚ VỊ: Bạn nghe mà thấy miệng chữ A, mắt chữ O, hoặc là cười sằng sặc, hoặc lệ rơi ướt bờ mi thì quá tốt, bạn sẽ nhớ nội dung đó một cách dễ dàng.

 

+ MANG TÍNH THÁCH THỨC MỘT CHÚT: Giai đoạn đầu tập nghe, có thể bạn sẽ cần tập trung vào những thứ rất cơ bản. Nhưng sau khi đã biết được kha khá phần cơ bản rồi, bạn hãy tìm những nội dung có tính thách thức nhiều hơn, kích thích tinh thần chinh phục đang ngủ quên trong bạn.

 

Bạn nói rằng bạn bận lắm, nhưng sự thật là từ trước tới giờ bạn luôn bận, và sẽ ngày càng bận thôi. Cho nên hãy bắt đầu từ hôm nay, hãy dành cho ngôn ngữ bạn muốn học 1 khoảng thời gian, có thể 1 giờ mỗi ngày, có thể 30 phút mỗi ngày. Nhưng đừng để một ngày đi qua mà bạn không liên quan gì đến ngôn ngữ đó nhé, và hãy cứ thoải mái với quá trình đó, bạn không cần trở nên hoàn hảo, vì mục đích của bạn là HIỂU ngôn ngữ đó mà thôi.

 

Chúc bạn luôn tràn đầy năng lượng để thực hiện mục tiêu của mình.

Thân mến,

Lê Nguyệt

P.S. Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy cùng trao đổi ở phần comment nhé.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *